MÁCH BẠN CÁCH PHÂN BIỆT SƠN GIẢ SƠN THẬT NHƯ THỢ SƠN

Khi các công trình xây dựng mọc lên ngày một nhiều, thị trường sơn màu mỡ hơn cũng là lúc vấn đề sơn giả trở thành vấn nạn đáng báo động. Do đó, các chủ đầu tư cần nắm được bí quyết phân biệt sơn giả sơn thật để dễ dàng chọn đúng được loại sơn chính hãng, bảo đảm chất lượng cho công trình nhà mình. Theo dõi bài viết dưới đây để sở hữu cách phân biệt sơn giả sơn thật như thợ sơn chuyên nghiệp nhé!

I. Có những mánh khóe làm sơn giả nào?

Trước tiên, chúng ta cần phải hiểu rõ, sơn nhái, sơn kém chất lượng, thiếu khối lượng…thì đều đươc coi là sơn giả. 

Nhu cầu xây dựng và sử dụng sơn nước càng ngày càng lớn, mà cái gì càng nhiều thì càng dễ làm giả. Bất chấp đạo đức nghề nghiệp, nhiều đại lý – nhà phân phối đã làm giả sơn bằng nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau, điển hình là các mánh khóe dưới đây:

1. Thứ nhất, đóng gói sơn giả/sơn rẻ tiền trong vỏ của những dòng sơn đắt tiền.

Đây là cách làm giả sơn phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. Những nhà buôn không có uy tín thu mua lại vỏ thùng sơn ở các công trình xây dựng, sau đó cho sơn giả/sơn kém chất lượng vào rồi đóng gói lại như mới.  Hoặc họ cũng có thể đặt làm các thùng sơn copy thùng sơn chính hãng đến 99% tại các cơ sở sản xuất vỏ thùng.

Mánh khóe này mang lại lợi nhuận rất cao bởi cực kỳ dễ làm và các chủ nhà không chuyên cũng rất khó phân biệt sơn giả sơn thật bằng mắt thường.

2. Thứ hai, làm nhái các hãng sơn nổi tiếng trên thị trường.

Thủ thuật này thường được áp dụng với những hãng sơn lớn, có tên tuổi vì độ nhận diện cao, nhu cầu tiêu dùng nhiều. Các con buôn cố tình đặt tên, nhãn hiệu, thiết kế vỏ sơn gần giống với sơn chính hãng. Điều này dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng bởi sự khác biệt bên ngoài là rất nhỏ, nhiều khi chỉ khác một chữ cái trong tên hoặc màu sắc trên vỏ.

Tuy nhiên, cách làm giả này lại dễ nhận biết nhất. Chỉ cần tìm hiểu kỹ về hãng sơn muốn dùng, quan sát kỹ vỏ thùng là có thể nhận ra.

3. Thứ ba, nhà buôn tự sản xuất sơn giả

Các con buôn mua hóa chất ở các cơ sở chuyên bán hóa chất dùng cho sơn giả (thường không rõ nguồn gốc – xuất xứ) và tự gia công. Sơn giả dạng này cũng được sản xuất dưới nhiều dạng khác nhau: sơn nội – ngoại thất, sơn tính năng…và bán cho những người tiêu dùng nhẹ dạ cả tin & ưa rẻ dưới mác các thương hiệu lớn.

Đối với cách làm giả sơn này, người bán cần có trình độ nhất định để pha chế nên tỉ lệ chiếm không nhiều so với các mánh khóe khác. Tuy nhiên, nếu dùng đúng loại sơn này thì chất lượng công trình gần như xuống cấp nhanh nhất bởi chất lượng sơn rất kém do cách pha chế thủ công (hoặc bán tự động), màu sơn không đồng đều; thậm chí cùng một màu cũng không đồng nhất nếu sản xuất vào hai đợt khác nhau.

4. Thứ tư, trộn sơn giả với sơn thật.

Thủ thuật khiến người tiêu dùng khó phân biệt sơn giả sơn thật nhất chính là mánh khóe thứ tư này. Đây là chiêu trò rất tinh vi mà nhiều đại lý thường hay áp dụng bởi lợi nhuận mang lại tương đối cao mà tỉ lệ bị phát hiện thấp, vì vỏ thùng sơn vẫn là thùng sơn thật.

Dạng sơn giả này thường chỉ được phát hiện sau khi công trình đã thi công được một thời gian, khi tường xuất hiện tình trạng phồng rộp hoặc bong tróc mảng sơn.

5. Thứ năm, rút bớt dung tích thùng sơn

Cách thức này được sử dụng từ lâu và rất phổ biến trên thị trường. Chủ buôn mua sơn chính hãng, sau đó rút bớt từ 10-15% khối lượng sơn bên trong để sang qua một thùng mới. Như vậy chỉ cần rút bớt 8-10 thùng sơn thật thì lại có một thùng sơn mới.

Mánh khóe này thực hiện khá đơn giản (chủ buôn thường có sẵn các dụng cụ để thực hiện việc khui thùng sơn mà không để lại sơ hở) và không yêu cầu trình độ kỹ thuật. Đồng thời cũng khó bị lực lượng chức năng phát hiện vì sơn hoàn toàn là sơn thật, có nguồn gốc rõ ràng.

Người tiêu dùng thì lại càng khó phân biệt hơn, vì bản chất vẫn là sơn thật – chỉ có khối lượng ít hơn mà thôi. Khối lượng & dung tích sơn giảm có thể thấy được khi mang vác bằng tay, nhưng trên thực tế chỉ kiểm soát được với số lượng ít, còn những công trình lớn khi số lượng sơn lên tới vài chục, vài trăm thùng thì khó lòng kiểm tra được hết.

Những nơi có thể dễ dàng sản xuất sơn giả dạng này thường là những cơ sở cung cấp sơn lớn, nên dạng sơn giả này phủ khá nhiều trên thị trường.

Hậu quả khi các công trình sử dụng phải sơn giả thường nằm ở hai khía cạnh: tính thẩm mỹ kém và chất lượng công trình không bền. Sơn phủ chẳng khác nào bộ mặt của ngôi nhà mà sơn giả không thể đảm bảo độ lên màu chuẩn, đồng thời dễ dàng bị bong tróc, phồng rộp chỉ sau thời gian ngắn sử dụng. 

Gia chủ không những tiền mất tật mang mà còn tốn thêm nhiều thời gian để tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục khi công trình gặp sự cố. Thêm vào đó, nhiều loại sơn giả chưa được kiểm định về chất lượng còn gây ảnh hưởng đển người trong nhà bởi quá trình tiếp xúc vói hóa chất độc hại không rõ nguồn gốc.

Bởi vậy, nhất thiết phải nắm được cách phân biệt sơn giả sơn thật để tránh sai lầm từ những bước đầu.

II. Vậy bí quyết phân biệt sơn giả sơn thật như thế nào?

Rõ ràng, với nhiều mánh khóe làm giả sơn tinh vi như trên, nếu không tỉnh táo thì người tiêu dùng rất dễ bị “dắt mũi” mua phải hàng kém chất lượng, tiền mất tật mang. Một số kinh nghiệm phân biệt sơn giả sơn thật dưới đây được chắt lọc từ các anh, các chú thợ xây chuyên nghiệp, có nhiều năm trong nghề có thể sẽ hữu ích với bạn:

1. Thứ nhất, phân biệt sơn giả sơn thật bằng cách kiểm tra thật kỹ “diện mạo bên ngoài” của thùng sơn.

Một thùng sơn mới tinh chính hãng nguyên tem, nguyên đai, nguyên kiện phải đảm bảo có tem mác sắc nét, nguyên vẹn; nét chữ & các chi tiết in ấn rõ ràng, không mờ nhạt loang lổ.

Thùng sơn mới cũng cần đảm bảo không có dấu hiệu cạy mở hay trầy xước quá nhiều. Đương nhiên trong quá trình vận chuyển không thể tránh được chuyện va chạm, nhưng thường các dòng sơn dung tích 1l-5l sẽ có hộp carton bảo vệ. Nếu có trầy xước thì cũng chỉ xảy ra với các thùng sơn ở phía ngoài, nên cần lưu ý điểm này khi nhận sơn.

Như đã nói phía trên, nhiều vỏ sơn giả – sơn nhái chỉ khác vỏ thùng sơn thật ở một chữ cái nào đó – nên tránh nhìn qua loa, đến lúc phát hiện ra thì đã muộn.

Các hãng sơn đều có các dòng từ trung bình đến cao cấp. Kinh nghiệm là vỏ của chúng chỉ khác một chút  về màu sắc hoặc dòng mô tả đặc tính riêng. Cần xem xét cẩn thận xem chữ ghi trên vỏ thùng và ghi trên bảng giá có giống nhau hay không, tránh tình trạng bán hàng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” của các đại lý kém uy tín.

2. Thứ hai, phân biệt sơn giả sơn thật thông qua chất lượng sơn.

Điều này thì chỉ có thể kiểm chứng sau khi đã khui nắp thùng sơn. Test độ bám dính trên tường của sơn: Sơn thật, chính hãng có độ bám dính cao; một lần nhúng sơn có thể lăn được diện tích tường lớn hơn so với sơn giả. Khi để lâu ngày, sơn thật sẽ có một lớp keo trong suốt trên bề mặt và không có cặn lắng ở phía đáy thùng.

Nếu vô tình để sơn thật dính vào tay chân, quần áo hay đồ nội thất và để khô thì tương đối khó để làm sạch bằng nước, cần thời gian kỳ cọ khá lâu. Sơn giả độ bám dính kém nên khi dính vào tay chân có thể dễ dàng rửa sạch.

Về phần chất lượng sơn, các chủ nhà có thể nhờ các thợ sơn chuyên nghiệp kiểm tra,, bởi họ có nhiều kinh nghiệm, đã tiếp xúc với nhiều loại sơn nên dễ dàng phân biệt được về mùi, màu sắc và phẩm chất của sơn thật/ sơn giả.

3. Thứ ba, nhất thiết phải hiểu rõ “giá thành đi đôi với chất lượng”

Thật vậy, dân gian có câu “của rẻ là của ôi” hay “tiền nào của nấy”. Bởi vậy, khi thấy đơn vị phân phối chào sơn với giá rẻ “giật mình” thì cần phải cân nhắc thật kỹ. Bởi vì để  đảm bảo chất lượng đạt chuẩn về tính bền, đẹp; sơn cũng trải qua quá trình sản xuất với dây chuyền công nghệ hiện đại và nhiều quy trình khác nhau. Chi phí như vậy thì một dòng sơn nào đó không thể có giá rẻ “hết hồn”, giá “rẻ như cho” như nhiều đại lý hay nói được (so với giá hãng cung cấp).

Có nhiều người mong muốn sơn tốt nhưng lại không muốn đầu tư về mặt kinh tế, thì điều này là không thể có. Cần phải hiểu rằng, con số để đầu tư thêm một chút tiền để mua sơn chính hãng ngay từ đầu sẽ rẻ hơn rất nhiều so với tiền phải bỏ ra để khắc phục, sửa chữa nếu công trình có sự cố về sau.

Đương nhiên, thị trường sơn đa dạng về chủng loại cũng sẽ có nhiều mức giá từ thấp đến cao. Tùy thuộc vào kinh tế mà gia chủ lựa chọn loại sơn phù hợp ( đi kèm các tính năng tương đương) từ các nhà cung cấp uy tín cho công trình nhà mình.

Một lời khuyên khác của chúng tôi dành cho bạn đọc, đó là hãy tìm hiểu thật kỹ về hãng sơn mà bạn định dùng, có thể liên hệ trực tiếp bộ phận chăm sóc khách hàng của hãng để khảo sát về bảng giá, hỏi địa chỉ các nhà phân phối uy tín.. Một khi bạn đã thật sự quan tâm đến nó thì khó có thể bị qua mắt bởi các chiêu trò phía trên. Nếu không có thời gian, bạn vẫn cần tìm hiểu kỹ về đơn vị thầu dịch vụ để tiết kiệm thời gian và chi phí nhất có thể.

Trên đây là nôi dung bài viết về cách phân biệt sơn giả sơn thật, hi vọng hữu ích với bạn đọc. Chúc các bạn lựa chọn được hãng sơn uy tín, chất lượng đảm bảo công trình bền đẹp, lâu dài!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *