NỨT SÀN CÓ NGUY HIỂM KHÔNG? CÁCH XỬ LÝ NỨT SÀN ĐƠN GIẢN, NHANH CHÓNG

Không một ai muốn ngôi nhà của mình chỉ mới đi vào sử dụng một thời gian ngắn đã xảy ra hiện tượng nứt sàn. Tuy nhiên, hiện tượng này thường hay gặp trong các công trình xây dựng có chất lượng thi công không tốt dù ở bất kỳ công đoạn nào. Vậy nứt sàn có nguy hiểm không chắc sẽ là câu hỏi của rất nhiều gia chủ khi gặp hiện tượng này.

Hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để tìm hiểu sâu hơn về tình trạng nứt sàn và cách xử lý để đảm bảo tính thẩm mỹ và chất lượng của công trình nhé!

I. Nguyên nhân khiến sàn nhà bị nứt.

Để xác định việc nứt sàn có nguy hiểm không thì cần phải tìm hiểu thực trạng vết nứt và nguyên nhân xảy ra tình trạng này là gì? Dưới đây là một số nguyên nhân khiến sàn nhà bị nứt mà chúng ta thường hay gặp.

1. Nứt do cốt thép công trình không đảm bảo.

Cốt thép không được bảo quản kỹ càng nên khi bị ướt hoặc tiếp xúc với oxy sẽ dẫn đến tình trạng thép bị oxy hóa, sau một thời gian thanh thép sẽ bị biến dạng. Nên khi sử dụng thép bị gỉ trong xây dựng công trình thì các thanh thép dần dần đẩy bê tông ra và gây nứt. Do đó cần phải có biện pháp để xử lý các thanh thép bị lỗi và bố trí lại cốt sàn.

  • Đối với cốt sàn cần sắp xếp các thanh thép một cách cân đối, gần với 2 mặt bên và đáy của dầm sàn, không sử dụng thanh thép có đường kính lớn vào khối cốt thép. Khoảng cách giữa các thanh thép không quá thưa hay quá rộng khiến cốt thép bị võng.
  • Đối với các thanh thép cần phải được nắn thẳng trước khi đặt và có biện pháp xử lý khi bị gỉ để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sàn.

2. Chất lượng bê tông thi công không đạt chuẩn.

Chất lượng bê tông thi công không đạt chuẩn là do các thành phần cấu tạo nên bê tông chưa đạt tiêu chuẩn về chất lượng chẳng hạn như cát, đá vẫn còn dính tạp chất khiến hỗn hợp không có sự liên kết chặt chẽ giữa các phân tử. Hoặc quá trình đổ bê tông bị đứt quãng, thời gian đổ lần sau cách lần trước một thời gian dài làm hỗn hợp bê tông bị chia thành các lớp. Từ đó mà chất lượng sàn bê tông bị giảm xuống, tình trạng nứt sàn dễ xuất hiện sau thời gian sử dụng.

Để phòng tránh việc nứt sàn do bê tông sau thời gian sử dụng thì cần phải đảm bảo chất lượng hỗn hợp trước khi đổ.

  • Không dùng chất phụ gia đổ vào bê tông do hóa chất dễ ảnh hưởng đến chất lượng mặt sàn thi công.
  • Đầm thủ công hay đầm bằng máy thì đều phải đảm bảo việc đầm chặt và đều các vị trí bê tông.
  • Chất liệu sử dụng thi công bê tông phải được làm sạch, không lẫn tạp chất và phải có tỷ lệ chính xác khi trộn.
  • Sau khi đổ bê tông xong cần tiến hành bảo dưỡng bê tông để tránh bị mất nước làm ảnh hưởng đến chất lượng xi măng.

3. Lỗi kết cấu quá tải.

Lỗi kết cấu quá tải của công trình xảy ra do các kỹ sư có sự nhầm lẫn trong quá trình định hướng kết cấu hoặc do người thợ có sự tính toán không chính xác làm gia tăng tải trọng của ngôi nhà.

Lỗi kết cấu quá tải khiến tải trọng của ngôi nhà không phù hợp để lâu dài, nếu giữ nguyên để sử dụng mà không có sự cải tạo, sửa chữa thì sẽ bị nứt, gây ảnh hưởng đến ngôi nhà và nguy hiểm đến sự an toàn của các thành viên trong gia đình.

4. Nền móng bị sụt lún.

Nguyên nhân khiến nền móng công trình sụt lún là do kết cấu đất ở bên dưới có sự thay đổi hoặc lựa chọn không đúng nền móng hay do người thợ thi công không đúng quy trình thi công. Do đó, khi nền móng bị lún sẽ xuất hiện sự thay đổi về kết cấu, khả năng chịu lực có sự khác biệt, khoảng cách giữa các cột nhà không đồng đều dẫn đến hiện tượng nứt sàn.

Để hạn chế xảy ra tình trạng này cần có biện pháp thi công móng phù hợp, xác định thực trạng đất chuẩn bị xây dựng và lựa chọn loại móng phù hợp cho công trình.

5. Do tác động ngoại cảnh.

Nước ta thuộc khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên sự chênh lệch nhiệt độ giữa các mùa thường rất cao. Mùa hè ở Việt Nam có nhiệt độ rất cao làm cho các vật liệu bị dãn nở nhưng khi mưa xuống nhanh, nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cho mặt sàn nhanh chóng co lại. Điều này khiến cho kết cấu của sàn bị ảnh hưởng, gây nứt và làm giảm chất lượng công trình.

Ngoài ra, việc trồng cây xanh trên mái không đúng loại cây cũng sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu của ngôi nhà, từ đó đẩy nhanh quá trình sử dụng của công trình làm chúng nhanh hỏng.

II. Nứt sàn có nguy hiểm không?

Nứt sàn có nguy hiểm không? là thắc mắc của rất nhiều người khi ngôi nhà của mình xảy ra tình trạng này. Để biết nó có ảnh hưởng đến cuộc sống, sự an toàn của các thành viên trong gia đình không cần phải xác định được mức độ nghiêm trọng của các vết nứt. Nếu vết nứt ở phạm vi và độ rộng lớn thì cần phải có biện pháp xử lý nếu không sự an toàn của mọi người sẽ bị đe dọa. 

Các vết nứt sàn thường là vết nứt do vữa hoặc là sâu bên trong lớp bê tông. Tùy thuộc vào là vết nứt gì mà xác định được mức độ nguy hiểm của nó gây ra cho con người.

  • Nếu là vết nứt nhỏ – vết nứt vữa thì bạn có thể yên tâm rằng những vết nứt này sẽ không phát triển nữa, ít gây ảnh hưởng tới kết cấu của công trình. Do đó mà không nguy hiểm cho mọi người nhưng nó sẽ làm tính thẩm mỹ của ngôi nhà bị giảm sút.
  • Nếu là vết nứt sâu, dài và rộng thì nó xuất phát từ sâu bên trong của lớp bê tông. Vết nứt này cần phải được xử lý kịp thời, nếu không sẽ các vết nứt sẽ ngày càng lớn, ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu của căn nhà. Khi trời mưa xuống, nước mưa dễ dàng thẩm thấu vào trong lớp bê tông, lâu dần sẽ khiến các tảng bê tông vỡ, nhấp nhô làm ảnh hưởng đến sự an toàn của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, các vết nứt lớn không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng rạn nứt tường, gây hỏng hóc cho toàn bộ công trình.

III. Làm thế nào để xử lý sàn nhà bị nứt tránh nguy hiểm?

Cách xử lý sàn nhà bị nứt

Nứt sàn có nguy hiểm không? làm thế nào để xử lý sàn nhà bị nứt? Tùy thuộc vào mức độ nứt mà xác định tình trạng nguy hiểm và có cách xử lý phù hợp. Tuy nhiên, dù là vết nứt nào cũng cần tiến hành xử lý nhanh chóng để đảm bảo được chất lượng công trình cũng như tính thẩm mỹ. Hiện nay có 3 cách xử lý sàn nhà nhà bị nứt là xử lý bằng xi lanh với bê tông có độ dày nhỏ hơn 30cm, xử lý bằng máy bơm áp lực nếu bê tông có độ dày lớn hơn 30cm và xử lý cắt bề mặt bê tông hình chữ V.

1. Cách xử lý sàn nhà bị nứt bằng xi lanh.

Bước 1: Chuẩn bị các vận dụng để xử lý vết nứt như keo Epoxy SL 1400, keo trám SL 1401 hoặc Sikadur 752.

Bước 2: Vệ sinh bề mặt các vết nứt một cách sạch sẽ, loại bỏ hết những bụi bẩn còn sót lại ở vết nứt rồi tiến hành kiểm tra kích thước.

Bước 3: Đánh dấu các vị trí đặt xi lanh và khoảng cách giữa các vị trí ở khoảng 20cm.

Bước 4: Gắn bát nhựa vào các vị trí đã đánh dấu bằng keo Epoxy SL 1401, sau đó trám dọc các vết nứt.

Bước 5: Nếu bề mặt keo đã khô thì tiến hành bơm dung dịch keo SL 1400 và cần phải tiến hành bơm liên tục đến khi đầy vết nứt.

Bước 6: Sau khoảng 4 giờ, dung dịch keo đã đông cứng thì tiến hành rút xi lanh và dùng máy chuyên dụng để chà nhám, làm phẳng bề mặt các vết nứt.

Bước 7: Nghiệm thu công trình và tiến hành bàn giao.

Cách xử lý nứt sàn bằng xi lanh

2. Cách xử lý sàn nhà bị nứt bằng máy bơm áp lực.

Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ để tiến hành xử lý sàn nhà bị nứt như máy bơm keo áp lực, kim bơm keo, máy thổi bụi, máy mài cầm tay, keo xử lý vết nứt.

Bước 2: Vệ sinh sạch sẽ bề mặt vết nứt và dùng keo lấp đầy các vết nứt.

Bước 3: Khoan lỗ cách vết nứt khoảng 5cm ở góc 45 độ và sâu khoảng 25cm rồi thổi bụi, sau đó đưa kim bơm vào lỗ khoan.

Bước 4: Dùng máy bơm bơm keo vào lỗ

Bước 5: Keo sau khi được bơm đầy lỗ khoan thì tiến hành rút kim và vá lại. Sau 12 ngày thì tiến hành rút khoan rồi lấy mẫu đem đi thí nghiệm cường độ.

Bước 6: Nghiệm thu công trình và tiến hành bàn giao.

Cách xử lý nứt sàn bằng máy bơm áp lực

3. Cách xử lý sàn nhà bị nứt bằng cách cắt bề mặt bê tông hình chữ V.

Bước 1: Xác định vị trí, mức độ của vết nứt.

Bước 2: Tiến hành đục gạch tại các vị trí vết nứt và đục đến khi vết nứt kết thúc thì thôi.

Bước 3: Sử dụng máy mài cầm tay để mài rõ các vết nứt.

Bước 4: Dùng máy cầm tay để cắt mở rộng vết nứt với chiều sâu khoảng 2cm.

Bước 5: Làm vệ sinh vết nứt một cách sạch sẽ.

Bước 6: Dùng hồ dầu kết nối tưới lên bề mặt vết nứt, sau đó đổ vữa Grout lên vết nứt.

Bước 7: Sau khi Grout khô hoàn toàn thì tiến hành quét phụ gia chống thấm và rải lưới thủy tinh gia cường lên lớp chống thấm thứ nhất chưa khô.

Bước 8: Sau khi lớp chống thấm khô thì tiến hành quét lại thêm 2 lớp nữa rồi láng vữa chống thấm và lát gạch.

Bước 9: Nghiệm thu công trình và tiến hành bàn giao.

Dù là nguyên nhân gì và cách khắc phục ra sao cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, chất lượng và kết cấu của công trình. Hy vọng những chia sẻ của chúng tôi về nứt sàn sẽ giúp bạn đọc có thể giải đáp thắc mắc về câu hỏi nứt sàn có nguy hiểm không và có thể lựa chọn được cách thức thi công phù hợp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *