QUY TRÌNH THI CÔNG BÊ TÔNG NHANH CHÓNG, CHÍNH XÁC KHÔNG NÊN BỎ LỠ

Trong xây dựng, chất lượng của bê tông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian sử dụng của công trình. Một trong những vấn đề gặp phải và liên quan đến chất lượng bê tông chính là quy trình thi công không đúng kỹ thuật, sai nguyên tắc ban đầu. Vậy nguyên tắc thi công đúng như thế nào? quy trình thi công bê tông ra làm sao? Hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bê tông cũng như có lời giải đáp về thắc mắc trên nhé!

I. Bê tông là gì?

Bê tông là vật liệu bằng đá được hình thành bởi các hỗn hợp các nguyên vật liệu gồm cát, xi măng, đá, chất phụ gia và nước. Hỗn hợp xi măng portland kết hợp với nước tạo thành bột nhão, vì thế mà bê tông cũng có thể được gọi là hỗn hợp bột nhão.

II. Những ưu điểm và nhược điểm của bê tông.

1. Ưu điểm của bê tông

Đời sống ngày càng phát triển, nhu cầu và mức sống của con người ngày càng cao, đòi hỏi các công trình nhà ở, đường xá, cầu cống phải đạt yêu cầu về chất lượng và tính thẩm mỹ. Vì thế mà sử dụng bê tông trong việc thi công xây dựng ngày càng phổ biến bởi những ưu điểm vượt trội mà bê tông mang lại cho con người.

  • Bê tông có cường độ chịu lực cao nên phù hợp với hầu hết các công trình xây dựng như đường xá, cầu cống, nhà ở, trung tâm giải trí,…
  • Dễ dàng chế tạo thành các hình dáng khác nhau để phù hợp với nhu cầu sử dụng.
  • Bền vững và không bị ảnh hưởng nhiều khi chịu tác động của ngoại cảnh như thời tiết, tải trọng,…
  • Thành phần có trong bê tông rất phổ biến trên thị trường nên chi phí thi công thấp.
  • Khả năng chống cháy tốt, có thể ngăn lửa lan sang các khu vực xung quanh trong khoảng từ 2 đến 6 tiếng.
  • Tuổi thọ của công trình cao, không phải bảo dưỡng thường xuyên.

2. Nhược điểm của bê tông 

Bên cạnh ưu điểm thì khi sử dụng bê tông trong xây dựng vẫn có một số hạn chế như:

  • Khả năng cách âm, cách nhiệt kém nên khi được sử dụng để xây dựng công trình nhà ở, văn phòng, trung tâm giải trí cần có các biện pháp chống nóng.
  • Do khối lượng riêng của bê tông lớn khiến tải trọng của các công trình lớn làm ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực.
  • Bê tông là vật liệu giòn nên dễ vỡ, chỉ cần có tác động mạnh sẽ khiến lớp bê tông bị vỡ vụn.
  • Dễ có khe nứt ở vùng kéo khi chịu lực làm ảnh hưởng đến chất lượng sử dụng của kết cấu chịu lực.
  • Thi công phức tạp, khó kiểm tra chất lượng của bê tông cũng như công trình.

III. Bê tông gồm những loại nào?

Bạn có từng thắc mắc, liệu mọi công trình đều sử dụng một loại bê tông duy nhất hay không? Hay mọi bê tông đều được tạo thành từ cát, đá, xi măng và nước? 

1. Bê tông được phân theo công dụng

Mỗi bê tông sử dụng trong các công trình khác nhau sẽ có những đặc tính khác nhau, vì thế cần phải sử dụng đúng loại bê tông cho công trình phù hợp mới có thể phát huy được hết công dụng, chức năng của bê tông.

Bê tông cốt thép

Bê tông cốt thép là vật liệu composite có sự kết hợp giữa bê tông với cốt thép để gia tăng cường độ chịu nén, chịu kéo và độ bền cao cho công trình. Đây là loại bê tông được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng. 

Sự kết hợp giữa bê tông với cốt thép mang lại hiệu quả cao trong xây dựng nhờ những ưu điểm sau:

  • Lực bám dính bê tông với cốt thép được hình thành trong quá trình đông cứng bê tông giúp thép không bị tuột ra khỏi hỗn hợp trong quá trình chịu lực.
  • Giữa cốt thép với hỗn hợp bê tông không xảy ra phản ứng hóa học dù ở bất kỳ nhiệt độ nào, bên cạnh đó bê tông còn giúp bảo vệ chất lượng thép không bị gỉ, ngăn việc xảy ra phản ứng giữa thép với không khí.
  • Bê tông và thép có hệ số giãn nở xấp xỉ nhau nên khi thời tiết thay đổi thì cả 2 đều cùng giãn hoặc cùng co lại, vì vậy mà kết cấu bê tông cốt thép không bị phá vỡ, chất lượng công trình được đảm bảo.

Bê tông nhẹ

Bê tông nhẹ được tạo thành từ đất sét nung đông nở, xi măng và cát hay còn gọi là keramzit. Loại vật liệu này giúp giảm khối lượng của bê tông lên tới 1200 đến 1900kg/m3. Với công thức đặc biệt và được sản xuất theo công nghệ của Nhật Bản, bê tông nhẹ có cường độ cao tới 40mpa ở điều kiện thi công bình thường và cao hơn khi thi công đặc biệt. 

Sự kết hợp giữa cường độ cao với khối lượng nhẹ đã tạo nên kết cấu bê tông chỉ có 3cm. Và loại bê tông này thường được sử dụng để làm trần nội, ngoại thất trong xây dựng các công trình.

Bê tông thủy công

Bê tông thủy công được sản xuất từ hỗn hợp gồm xi măng, cốt liệu thô, cốt liệu mịn và nước, cũng giống như việc sản xuất xi măng thông thường nhưng được trộn theo một tỷ lệ khác. Tùy vào nhu cầu sử dụng mà hỗn hợp bê tông được nhào trộn theo một công thức riêng và thường được chia theo kích thước – kết cấu, khả năng chịu áp lực nước, vị trí mực nước và vị trí sử dụng.

Bê tông có công dụng đặc biệt

Bê tông có công dụng đặc biệt cũng được sản xuất với những thành phần cơ bản như các bê tông khác, tuy nhiên nó được sản xuất với mục đích như chịu nhiệt, chịu chất phóng xạ, axit,…và thường được sử dụng ở một số nơi điển hình như nhà máy hạt nhân.

2. Bê tông phân loại theo khối lượng, thể tích 

Bê tông đặc biệt nhẹ

Bê tông đặc biệt nhẹ là loại bê tông tổ ong hay còn gọi là bê tông khí hoặc bê tông bọt và bê tông cốt liệu rỗng có trọng lượng nhỏ hơn 500kg/m3.

Bê tông nhẹ

Bê tông nhẹ là loại bê tông có cốt liệu rỗng, thường gồm có 3 loại: bê tông cốt liệu rỗng, bê tông tổ ong và bê tông hốc lớn có trọng lượng dao động từ 500 đến 1800kg/m3.

Bê tông tương đối nặng

Được dùng chủ yếu cho kết cấu chịu lực và có trọng lượng trong khoảng từ 1800 đến 2000kg/m3.

Bê tông nặng

Có thể tích tương đối nặng được tạo thành từ cát, đá, sỏi thông thường cùng với nước và dùng chủ yếu cho kết cấu chịu lực. Khối lượng của bê tông nặng dao động trong khoảng từ 2200 đến 2500kg/m3.

Bê tông đặc biệt nặng

Bê tông đặc biệt nặng được làm từ cốt liệu đặc biệt và dùng cho những công trình có kết cấu vô cùng đặc biệt, trọng lượng của loại bê tông này lớn hơn 2500kg/m3.

3. Bê tông được phân theo chất kết dính

Trong xây dựng, người ta thường sử dụng xi măng làm chất kết dính để liên kết giữa các vật liệu lại với nhau. Tuy nhiên, ngoài xi măng làm chất dính cho bê tông, người ta có thể sử dụng silicat, polime, thạch cao. Với mỗi loại chất kết dính sẽ có độ đàn hồi, độ dẻo và độ cứng khác nhau, vì thế mà nó sẽ phù hợp với từng loại công trình.

IV. Nguyên tắc thi công bê tông

Để quy trình thi công bê tông được diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng và chất lượng bê tông đạt tiêu chuẩn thì cần phải thực hiện theo những nguyên tắc sau:

1. Đảm bảo chất lượng nguyên vật liệu

  • Cát được chọn để đổ bê tông cần phải là hạt to hoặc vừa sẽ làm cho bê tông được chắc hơn so với bê tông sử dụng cát hạt nhỏ.
  • Đá được chọn phải có kích cỡ hạt trung bình, đảm bảo kích thước viên đá lớn nhất phải nhỏ hơn ⅓ chiều dày nhỏ nhất của cấu kiện và mác bê tông định chế tạo ít nhất  1.5 lần.
  • Tất cả những nguyên liệu chuẩn bị thi công phải được sạch sẽ, không lẫn tạp chất.
  • Nước để trộn hỗn hợp phải là nước ngọt sạch, không dùng nước bẩn hay nước mặn, nước lợ sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của bê tông và làm lãng phí thời gian làm sạch các cốt liệu đã chuẩn bị trước.

2. Nguyên tắc sản xuất hỗn hợp bê tông

  • Phải cân, đo, đong, đếm thật kỹ khối lượng của các nguyên vật liệu theo tiêu chuẩn đã có từ trước.
  • Trộn các cốt liệu đã chuẩn bị thành hỗn hợp đồng nhất, đồng màu.
  • Cho một lượng nước vừa phải vào hỗn hợp để hỗn hợp có thể linh động khi thi công, tránh trường hợp đổ nước quá nhiều khiến hỗn hợp bị vữa, độ liên kết kém.

3. Nguyên tắc trộn bê tông

Trước đây, khi công nghệ chưa phát triển thì bê tông được trộn bằng thủ công, nhưng hiện nay bê tông còn được trộn bằng máy. Vì năng suất của mỗi loại trộn là khác nhau nên nguyên tắc trộn cũng vì thế mà có sự thay đổi.

  • Phương pháp trộn bê tông bằng máy: vữa bê tông được trộn bằng máy thì có năng suất cao, khối lượng bê tông được trộn lớn, chất lượng tốt, tiết kiệm được xi măng và sức lao động. Ở phương pháp này, sau khi đã chuẩn bị đủ cốt liệu theo tỷ lệ nhất định thì chỉ cần cho toàn bộ vật liệu vào cối trộn và quay khoảng 20 lần là đã có bê tông thành phẩm.
  • Phương pháp trộn bê tông bằng thủ công: phương pháp này sử dụng sức lao động của con người. Sau khi chuẩn bị cốt liệu theo tỷ lệ nhất định, dùng xẻng để trộn đều các vật liệu lại với nhau đến khi nào chúng cùng một màu thì đổ nước từ từ vào để trộn đến khi thành hỗn hợp có độ quánh, sệt vừa phải thì dừng. Thời gian cho mỗi mẻ trộn không được quá 20 phút.

4. Nguyên tắc đổ bê tông 

  • Cốp pha dùng để định hình bê tông cần được làm sạch rồi ghép lại một cách chắc chắn, kín, đủ chịu được rung động khi đầm và không làm thoát nước có trong bê tông.
  • Bê tông phải được đổ liên tục để tạo thành khối, nếu đàm thủ công thì cần dùng đầm quả nhót chọc thật nhanh để bê tông được đặc chắc, không còn các khe hở ở bên trong. Còn nếu đầm bằng máy thì nên chọn đầm bàn hoặc đầm dùi để tạo sự chắc chắn cho bê tông.

5. Nguyên tắc bảo dưỡng

  • Sau khi bê tông được đầm xong cần lấy tấm cót, tấm vải, bao tải ẩm phủ lên trên bề mặt hoặc sử dụng các vật liệu cách nước để tránh trường hợp bê tông mất nước gây nên tình trạng nứt nẻ. Bên cạnh đó, có thể dùng bình xịt thay vì tưới trực tiếp lên bề mặt mới đông kết để đảm bảo yêu cầu.
  • Sau 6 đến 10 giờ, bê tông phải luôn được cấp ẩm khi nhiệt độ ngoài trời cao và phải giữ ẩm thường xuyên trong 3 ngày đầu.

6. Nguyên tắc tháo coppha

Trong điều kiện bảo dưỡng tốt, không gặp vấn đề gì thì có thể tháo coppha sau 3 tuần. Tuy nhiên, để chắc chắn rằng bê tông đã đạt yêu cầu, không bị lỗi sau khi tháo coppha cần kiểm tra kỹ càng xem bê tông đã khô hay chưa.

V. Quy trình thi công bê tông nhanh chóng, chính xác

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, dụng cụ, phương án cho việc thi công

Để việc thi công được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và đảm bảo về chất lượng sản phẩm thì cần phải chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, dụng cụ, phương án, kế hoạch cho việc thi công.

  • Lập bản vẽ quá trình thi công bê tông: xác định được vị trí tim, cốt, cao độ, số lượng, diện tích cần đổ bê tông.
  • Kế hoạch thi công: cần dự trù thời gian, khối lượng bê tông cần dùng, sắp xếp lại nhân sự tiếp nhận bê tông tươi (nếu sử dụng), nhân sự trực tại vị trí đổ bê tông, kiểm tra cao độ, kiểm tra coppha, sắp xếp đội thực hiện thi công, đội ngũ bảo dưỡng.
  • Bố trí nguồn điện, nước để phục vụ cho việc thi công.
  • Chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, dụng cụ theo đúng tiêu chuẩn về chất lượng, thông số cần có để thi công.

Bước 2: Vận chuyển nguyên vật liệu đến địa điểm thi công

Nếu lựa chọn thi công bằng bê tông thành phẩm thì cần đến nhà máy trộn bê tông để kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu, rồi đặt số lượng bê tông và hẹn ngày giao. Nếu thi công bằng bê tông trộn thủ công, cần di chuyển nguyên vật liệu vào khu vực thi công để quá trình thi công được thuận tiện.

Bước 3: Kiểm tra vật liệu, coppha

 Vật liệu khi được chuyển đến công trường cần phải được kiểm tra về số lượng, chất lượng ở thực tại với trên giấy giao đến xem có trùng khớp, đúng loại đã đặt chưa để tránh trường hợp thiếu số lượng đã đặt, chất lượng không đúng như cam kết sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tốn chi phí. 

Coppha phải đảm bảo được vệ sinh sạch sẽ, không bị cong vênh, không bị khác biệt về diện tích, chiều dài, không bị mối mọt.

Bước 4: Lắp coppha

Trong quá trình đợi trộn bê tông thủ công hay bê tông thành phẩm giao tới cần tiến hành lắp coppha theo đúng bản vẽ kỹ thuật. Coppha sau khi lắp phải chắc chắn, không bị lệch, phải chịu được độ rung khi đầm bê tông. 

Bước 5: Đổ bê tông

Bê tông sau khi kiểm tra chất lượng thì tiến hành đổ vào khung đã chuẩn bị trước rồi tiến hành đầm bằng máy hoặc bằng tay tùy lựa chọn của gia chủ, chủ đầu tư.

Bước 6: Bảo dưỡng bê tông

Bê tông sau khi đổ khoảng 6 đến 10 giờ cần tiến hành bảo dưỡng. Có thể dùng bao tải, tấm vải ẩm phủ lên trên bề mặt hoặc dùng nilon, bạt để ngăn nước trong bê tông không bị thoát ra ngoài.

Bước 7: Tháo coppha

Sau 3 ngày từ khi bảo dưỡng cần kiểm tra bê tông đã đạt tiêu chuẩn để tháo dỡ chưa. Nếu đạt thì có thể tiến hành tháo ngay lập tức, nếu chưa đạt cần để thêm tránh làm ảnh hưởng chất lượng của bê tông. Sau khi tháo bê tông vẫn phải tiếp tục bảo dưỡng.

VI. Những lưu ý khi thi công bê tông

  • Chiều cao rơi tự do của bê tông tính từ miệng ống đổ bê tông đến đáy không nên vượt quá 2m để tránh trường hợp bê tông bị phân tầng khiến các phân tử trong bê tông không liên kết được với nhau làm giảm chất lượng.
  • Mỗi bê tông sẽ có sự khác nhau về kết cấu, vì vậy nên chọn loại đầm thích hợp, tương ứng với loại bê tông đó.
  • Bê tông phải được đổ liên tục trong suốt quá trình, không nên đổ nhát ngừng sẽ tạo thành các lớp bê tông trồng lên nhau.
  • Không nên đổ bê tông khi trời mưa, thời tiết ẩm ướt.
  • Không nên trộn bê tông quá nhiều cùng một lúc, tránh trường hợp bê tông bị đông khi chưa kịp đổ gây lãng phí nguồn nguyên liệu và tốn chi phí.
QUY TRÌNH THI CÔNG BÊ TÔNG

Trên đây là quy trình thi công bê tông mà chúng tôi – Xây dựng Hoàng Thiên Nam muốn chia sẻ đến bạn đọc. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về bê tông và nắm rõ được nguyên tắc và quy trình thi công này để có được bê tông chất lượng tốt.

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN XÂY DỰNG HOÀNG THIÊN NAM

Trụ sở chính Số 95 Nguyễn Đức Cảnh – P. Thắng Lợi – Tp. BMT – ĐakLak
Hotline 931.277.277
Website hoangthiennam.vn
Fanpage Xây Dựng HOÀNG THIÊN NAM
Email xaydunghoangthiennam@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *