Trong Xây dựng thì có rất nhiều và đa dạng nhiều thứ lỗi. nhưng từ kinh nghiệm của chúng tôi, Xây dựng Hoàng Thiên Nam chúng tôi xin liệt kê một số lỗi hay gặp như sau:
1. Các lỗi chung
Một số lỗi mà chỉ cần nhắc tên lỗi là đã hiểu ngay như tỷ lệ bê tông sai; vật liệu tính sai; vật tư không sạch; mất an toàn thi công; ván khuôn bê tông không tốt như cong vênh, có khe hở sẽ chảy mất nước xi măng, cây chống yếu; không vệ sinh kỹ chỗ tiếp giáp giữa các lần đổ bê tông; bê tông quá dẻo hoặc quá cứng; lỗi không đầm kỹ;… thì là những lỗi chung cần phải hết sức tránh.
Hoàng Thiên Nam khuyến nghị quý vị cần người giám sát có trình độ để giám sát kỹ đội thợ trong quá trình xây dựng để tránh các lỗi cơ bản này.
2. Lỗi định vị hệ kết cấu
Các kết cấu không thẳng hàng, bị lệch từ giai đoạn trước dẫn đến khi làm thép, dẫn đến khi đổ phần bê tông sẽ lệch.
Lỗi này không quá hiếm do các đội thợ làm ẩu, đo đạc sai, không nắm được các kiến thức hình học cơ bản , ví dụ quy tắc 3-4-5 là ba cạnh hình vuông để xác định góc vuông có bản chất là định lý Pitago là kiến thức cơ bản trong hình học cấp 2, (trong tam giác vuông thì chiều dài cạnh huyền bình phương bằng tổng bình phương hai cạnh còn lại)
3. Lỗi đẩy nổi
Đây là lỗi ít xảy ra ở công trình gia đình nhưng không phải không có. Nó liên quan đến mực nước trong hố móng khi thi công. Bản chất là khi đã xây dựng xong thì bể khi đó thành 1 cái thuyền, nếu nước vì lý do nào đó dâng lên thì cả bể sẽ nổi lên, trôi như con thuyền. Nhìn chung khi thi công hố móng, bể nước, hồ bơi cần tính toán dự phòng phương án thoát nước khi có nước ngầm, khi có mưa, có nước bên ngoài tràn vào… để bơm ra tránh hiện tượng này. Các công trình lớn, thời gian xây dựng lâu người ta chấp nhận làm các lỗ để khi nước bên ngoài cao thì sẽ tràn vào trong bể tạo áp lực cân bằng. Việc xử lý lỗ sau này sử dụng các kỹ thuật chống thấm khá dễ dàng và độ tin tưởng cao.
4. Lỗi nước tràn vào khi mới đổ bê tông móng
Liên quan đến lỗi số 3 trên thì cũng cần tránh khi đổ bê tông xong, tối thiểu 3 tiếng đồng hồ thì bê tông cơ bản đã ninh kết định dạng hình học, nếu trước đó để nước tràn vào thì sẽ hòa tan xi măng ảnh hưởng nặng đến chất lượng bê tông. Ở các tỉnh ven biển và phía Nam, ảnh hưởng bởi thủy triều nếu nước tràn vào là nước mặn thì mức độ ảnh hưởng là rất lớn, thậm chí phải phá bỏ làm lại từ đầu.
5. Để bê tông rơi tự do quá cao khi đổ
Khi đổ bê tông không để bê tông rơi tự do quá 2m. Ví dụ khi đổ bê tông cột mà đứng từ trên cao đỉnh cột cho bê tông rơi xuống sẽ làm bê tông bị phân tầng, đá nặng sẽ rơi trước tập trung phía dưới cốt liệu nhỏ lên trên dẫn đến bên dưới toàn đá sỏi, nhiều lỗ rỗng. Giải pháp là phải làm các vòi, máng nghiêng đổ vào. Với cột có thể mở các lỗ ngang thân cột ở giữa cột đổ đầy đến đó bịt lỗ lại đổ tiếp từ đỉnh cột xuống.
6. Đổ bê tông thiếu chiều cao
Thường các cột chờ hay bị vậy vì đội thợ XD không chuyên nghiệp thường ươc đoán. Hậu quả là đáng lẽ cột cao 3,5m thì chỉ đổ 3,4m; thiếu 10cm sau này sẽ bù đắp bằng cách khác như ví dụ trong hình. Rất nguy hiểm.
7. Cột chống, ván khuôn không tốt
Dẫn đến đổ sụp hoặc trũng ván khuôn, phồng, hẹp ván khuôn nên bê tông cũng bị trũng, bị phồng, bị co kích thước, ván khuốn không kín dẫn đến mất nước xi măng trong bê tông khi mới đổ. Nếu là cột bê tông nếu không kê chèn, định vị cột thẳng đứng thì trong quá trình thi công có thể cột sẽ bị tác động nghiêng.
8. Sai vị trí cốt thép, hoặc thiếu thép
Do không hiểu biết đúng nên đặt thép thiếu hoặc sai vị trí cho các cấu kiện nhô ra (với các loại cấu kiện này thép phải nằm phía trên. Nên sau một thời gian sử dụng thì cấu kiện bị nứt, có thể dẫn đến đổ sập.
9. Hàn cốt thép thay vì nối chồng thanh
Như trình bày trong bài Cốt thép trong bê tông, việc hàn đối đấu cốt thép như thế này là việc sai.
Nguyên nhân là lực kéo sẽ giảm vì hai nguyên nhân: 1) là mối hàn không đảm bảo 2) thép xây dựng là thép carbon cao nên sẽ bị giòn khi nhiệt độ hàn cao.
10. Để thép chờ cột các tầng trên ngắn và đều nhau
Như đã trình bày, các lớp thép phải được nối ở các vùng ít lực kéo; nối tại vị trí không quá 50% diện tích thép. Nên các cột chờ cho các tầng trên phải để các thanh thép cao tối thiểu 1m; không đều nhau về chiều cao để đạt yêu cầu đúng kỹ thuật nối thép. Các thép chờ vách bê tông tầng trên cũng tương tự như vậy.
11. Thi công sai lớp cốt thép đai
Cốt thép đai là các vòng thép ôm các thanh thép chính dọc theo đà / dầm; cột. Chúng tôi nhận thấy rằng đa số các đội thợ xây dựng đều không hiểu hoặc hiểu mơ hồ về vai trò cốt thép đai. Nó khá quan trọng, giữ vai trò cố định các thanh thép chính khi thi công, khi chịu lực nén mạnh; chịu các lực cắt ngang, xiên nhất là tại các khu vực giao điểm giữa các cấu kiện; nó chống lại các giãn nở vì nhiệt trong bê tông để bê tông vẫn đồng nhất dù thay đổi nhiệt độ. Thường thì thép đai sẽ được tăng cường tại vùng gần các giao điểm. Thép đai được bẻ ra sao cũng quan trọng. Phần lớn các đội thợ chỉ bẻ kiểu vuông góc (xem hình). Nếu chịu lực nén lớn, cần bẻ móc để giữ cố định các thanh thép chủ không vì sức nén mà xu hướng rời xa nhau, nếu chỉ bẻ vuông thì tác dụng đó không đạt.
12. Nối cốt thép không đúng
Tiêu chuẩn VN4453:1995 đã quy định: Việc nối buộc (nối chồng lên nhau) đối với các loại thép được thực hiện theo quy định của thiết kế.
Không nối ở các vị trí chịu lực lớn và chỗ uốn cong. Trong một mặt cắt ngang của tiết diện kết cấu không nối quá 25% diện tích tổng cộng của cốt thép chịu lực đối với thép tròn trơn và không quá 50% đối với thép có gờ. Chiều dài nối buộc của cốt thép chịu lực trong các khung và lưới thép cốt thép không được nhỏ hơn 250mm đối với thép chịu kéo và không nhỏ hơn 200mm đối với thép chịu nén và bảng sau. Khi nối buộc, cốt thép ở vùng chịu kéo phải uốn móc đối với thép tròn trơn, cốt thép có gờ không uốn móc. Dây buộc dùng loại dây thép mềm có đường kính 1mm; Trong các mối nối cần buộc ít nhất là 3 vị trí (ở giữa và hai đầu).
- Thông thường với các thép đà dầm : Thép có gờ phải đảm bảo cùng mặt cắt không được nối quá 50% lượng thép; Không được nối thép tại các vị trí chịu lực lớn và những vị trí uốn cong. Những vị trí chịu lực lớn (ví dụ các vị trí như thép giữa nhịp – thép dưới; thép gối – thép trên) là những vị trí phải chịu lực lớn nhất trong dầm nên không được thực hiện nối thép tại những vị trí này để tránh việc vị tuột mối nối rất nguy hiểm.
- Với các thép cột: Đối với thép có gờ thì cùng mặt cắt không được nối quá 50% lượng thép tại một vị trí. Nối thép sẽ làm giảm sức chịu kéo của thép trong bê tông, nếu nối tất cả (6 thanh như trong hình) thì sức chịu kéo căng giảm rất nhiều. Nếu tất cả các cột đều như vậy thì rất nguy hiểm, khi có lực xô ngang mạnh, ví dụ gió mạnh, động đất thì rất dễ xô đổ cả công trình.
- Tại các vị trí phải chịu lực lớn và những vị trí cần uốn cong không được nối thép. Tại cột của các công trình dân dụng thì chân cột nhà – vị trí sát mặt dầm và đầu cột – vị trí dưới mặt dầm là hai vị trí phải chịu lực lớn nhất vì vậy không được thực hiện việc nối thép để tránh việc thép bị tuột nối buộc.
- Với các thép sàn: Việc nối thép sàn về cơ bản phải tuân thủ theo các quy định như việc nối thép dầm. Không nối thép tại những điểm, vùng phải chịu lực lớn. Thông thường với các sàn bản kê bốn cạnh, không nối thép lớp dưới ở khu vực 1/2 giữa sàn và không nối thép lớp trên tại khu vực gần đà dầm. Các bản bê tông nhô ra (ô văng, seno) không nối thép âm ở mặt trên
13. Lớp vỏ bê tông bảo vệ cốt thép ít/ nhiều quá
Chiều dày tiêu chuẩn lớp vỏ bê tông bảo vệ thép là 1,5-2cm và không mỏng hơn đường kính thép. Việc để thép hở ra tận ngoài bê tông sẽ làm thép bị han gỉ, mất khả năng chịu lực. Nếu thép quá sâu trong bê tông thì sẽ giảm sức chịu lực của kết cấu (bản thân thép thì vẫn tốt vì được bảo vệ tốt). Việc này khá khó khi đổ bê tông sàn hai lớp thép, lớp dưới thường phải được kê bằng các con kê bê tông độ dày chuẩn, có gắn dây thép chuẩn bị từ trước, kê xuống bên dưới và buộc vào thép chủ.. Tránh việc khi sắp thi công mới lấy các hòn đá, sỏi nhét xuống bên dưới rất dễ bị xô lệch khi đầm. Với thép lớp trên cần làm các thanh thép kiểu “chân chó” như là các cữ để giữ khoảng cách giữa hai lớp để lớp trên phát huy tác dụng với các nội lực căng phía trên của sàn.
14. Đầm bê tông không kỹ
Đầm bê tông có vai trò quan trọng tới chất lượng bê tông, làm bê tông đặc chắc sẽ chịu nén tốt, bảo vệ thép tốt hơn, chống thấm dột tốt hơn. Tuy vậy việc này không phải dễ thực hiện tuy nhìn khá đơn giản. Trong xây dựng nhà ở gia đình thì các đầm dùi, đầm bàn là các đầm chủ yếu. Với bê tông cột thì dùng đầm dùi, đầm rung bên ngoài; đà / dầm thì dùng đầm dùi là chủ yếu; mặt sàn thì đầm dùi và đầm bàn. Đầm dùi chọn loại vừa phải lọt qua các kết cấu bê tông, đầm mỗi lớp ~30:50cm, thời gian khoảng 20-30 giây thì chuyển sang vị trí khác. không chủ động cho dùi tỳ vào cốt thép để tạo rung diện rộng sẽ làm nguy cơ thay đổi vị trí thép (thợ rất hay làm vậy). Đầm bàn thì kéo từ từ, đều tay, vệt sau chồng lên vệt trước khoảng 10cm. Đầm phải có hướng theo hướng đổ bê tông, làm kiểu cuốn chiếu khu nào xong khu đó cho đến khi hoàn thành.
15. Mạch ngưng bê tông
Với nhà ở gia đình thì cơ bản chỉ có ngưng thi công bê tông sau khi đổ sàn, ngưng để một vài hôm đổ cột tầng trên rồi ngưng chờ sàn, đà/dầm tiếp theo. Các vị trí đỉnh cột và chân cột là các vị trí được phép có mạch ngừng, tuy nhiên trước khi thi công đợt tiếp theo cần: Làm sạch, có thể đổ lớp xi măng trộn nước. Chú ý việc vệ sinh chân cột vì khi ghép cốp pha nhiều vật liệu có nguy cơ rơi vào trong hộp cốppha va thợ thường hoặc là không chú ý hoặc là lười biếng bỏ qua không vệ sinh lại cứ thế đổ bê tông cột chôn vùi các chất bẩn bên trong đó.
16. Bê tông bản cầu thang
Bản bê tông cầu thang nên được gắn chặt vào tường bằng cách ăn sâu vào trong tường bằng chiều ngang tường, chiều dày bằng chiều dày bản thang. Nhiều đơn vị thiết kế còn cẩn thận làm thành 1 dầm / đà bê tông trong tường chạy cùng bản thang. Nhiều đơn vị thi công có kinh nghiệm sẽ kết hợp việc đổ bê tông bản thang với xây tường xung quanh, ngược lại nhiều nhà thầu xây tường trước, đến khi đổ bê tông bản thang thì không đục gạch ra, chỉ ghép bê tông vào sát tường rồi đổ bê tông.
17. Các loại đường ống xuyên qua đà / dầm/ cột
Nhiều đơn vị thi công khá “hồn nhiên” cho các ống thoát nước, ống điện chạy qua dầm.
Việc này cơ bản có thể chấp nhận nhưng cần được tính toán chi tiết. Ví dụ chỉ chạy các đường ống nhỏ D60, không tập trung vào một khu vực; xuyên qua các khu vực kết cấu ít lực nén, ít lực cắt,… Việc có nhiều lỗ rỗng ngang thân đà dầm có thể là nguyên nhân nứt nẻ kết cấu về sau này.
18. Các đội điện nước xâm phạm kết cấu
Vấn đề này không thuộc diện lỗi khi thi công Bê tông cốt thép song có liên quan chặt chẽ. Các đội thợ điện nước là đội đến sau có thể chỉ mong xong việc sớm nên nhiều khi làm liều cốt cho đạt mục đích của mình. Nhiều khi họ xâm phạm cả các kết cấu bê tông để đi ống rồi sẽ nhanh chóng bịt lại. Việc này rất gây hại nếu không được kiểm soát.
19. Làm rung động bê tông khi bê tông chưa ninh kết tốt
Rất nhiều đội thợ vì muốn tiết kiệm thời gian nên sau vài hôm đổ bê tông sàn đã lên sàn để xây tường, đổ cột tầng tiếp theo. Như vậy sẽ nảy sinh việc chất tải lên sàn mới đổ gồm gạch xây, vữa trộn, người đi lại,… trong khi đó bê tông chưa phát triển đủ cứng nên sẽ gây rung động, nứt bê tông, hư kết cấu,… Xin mời quý gia chủ xem về cường độ phát triển bê tông theo thời gian.
Việc xây tường, đổ cột tiếp theo có thể được tiến hành sau ngày thứ 3 nhưng phải làm rất nhẹ nhàng, không chất tải nặng trên bề mặt bê tông mới đổ.
20. Đổ bê tông xong gặp mưa giông lớn
Đổ bê tông vừa xong thì gặp mưa là chuyện không lạ. Nếu là mưa nhỏ thì chỉ cần che đậy sơ là được nhưng nếu là mưa rào lớn thì việc che đậy phải rất kỹ. Nếu kèm giông gió nữa thì việc che đậy càng khó vì có thể gió sẽ hất tung các vật liệu che mưa. Vì vậy công tác chuẩn bị đầy đủ về chống mưa khi thi công là cần thiết. Nếu mưa nhẹ mưa ngắn dưới 1,5 tiếng thì có thể tạm dừng chờ mưa, nếu mưa lâu có thể phải làm các biện pháp mạch ngừng (vấn đề kỹ thuật khá phức tạp), nếu không được nữa phải chấp nhận bỏ để đổ lại. Mặt bê tông nếu bị mưa xói chảy mất nước ít thì còn bù được chứ nhiều là phải bỏ đi làm lại (giữ lại cốt thép, bỏ sớm khi bê tông chưa ninh kết sẽ dễ dàng).
Mưa cũng đem lại các nguy cơ về an toàn điện trong quá trình thi công đầm bê tông, trộn bê tông, vận chuyển bê tông và cả nguy cơ sét đánh.
21. Tháo dỡ ván khuôn cột chống sớm:
Ván khuôn cột, ván khuôn má hai bên đà dầm có thể tháo sau khoảng 24h kể từ khi đổ bê tông vì khi đó bê tông đã được ninh kết , không ảnh hưởng đến việc tạo hình bê tông nữa. Tháo dỡ lúc này cũng để cho việc bảo dưỡng bê tông tốt hơn. Song với ván khuôn đáy đà, dầm và ván khuôn sàn, ván khuôn cầu thang thì phải tuân thủ quy định là sau khi đổ 28 ngày. Tuy nhiên không chỉ 28 ngày là có thể tháo dỡ mà còn phải liên quan thêm đến nội dung 23 phía dưới đây.
22. Chống thấm quá sớm
Như đã trình bày, bê tông là quá trình ninh kết tạo thành từ nước và thành phần xi măng ( chuyên môn gọi là “thủy hóa”, theo kiến thức hóa học thì bản chất là tạo thành một loại muối cứng rắn). Nên việc bảo dưỡng bề mặt bê tông sau khi đổ là rất quan trọng, nó cung cấp thêm nước, giữ ẩm cho bề mặt vốn dễ bị bay hơi nhanh (nhất là mùa hè) để quá trình thủy hóa các lớp bê tông bề mặt được hoàn toàn. Phải tiến hành bảo dưỡng bề mặt trong tối thiểu 7 ngày đầu, tưới nước tối thiểu 3 lần / ngày, có che đậy để hạn chế bay hơi, giữ hơi ẩm nước tưới. Sau 7 ngày thì bê tông mới đạt khoảng 60% độ cứng.Nhiều đội thợ tiến hành quét chống thấm bề mặt sau vài ngày đổ bê tông là chưa đúng. Sau 7 ngày mức độ 60% độ cứng là chưa cao, vẫn có nguy cơ bị rung động, làm mất sự đồng nhất của bê tông, và khi đó nếu đã chống thấm thì bề mặt chống thấm sẽ bị rạn nứt nhỏ làm mất tác dụng. Thêm nữa nếu chống thấm thì phải chờ khô (theo hướng dẫn của từng nhà SX chất chống thấm) rồi phủ các loại vữa lên để bảo vệ bệ mặt. Nếu không các hoạt động xây dựng sẽ làm bong tróc bề mặt đã chống thấm gây mất tác dụng lớp chống thấm này.Lưu ý: Với các bề mặt có chống thấm thì cần làm dốc ngay từ khi đổ bê tông, độ dốc tốt, dốc đều, có đường thoát nước ngay chỗ trũng nhất của mặt bê tông (dù là có chống thấm nhưng nếu nước qua các bề mặt lọt xuống đọng tại đó thì lâu dài cũng làm hư lớp chống thấm rất nhanh)
23. Tháo dỡ ván khuôn, cột chống các tầng dưới khi tầng trên còn đổ bê tông
Nếu phía trên cách 2 tầng mà vẫn còn sàn cần đổ bê tông thì hai tầng liền kề bên dưới chưa được tháo dỡ ván khuôn, cột chống dù đã đủ 28 ngày. Lý do là khi đổ bê tông tầng trên thì bê tông mới, còn rời rạc chưa ninh kết đủ cứng sẽ dồn trọng lực lớn đều xuống mặt bê tông đã đổ gần đây qua các cây chống.
Cộng thêm các lực phát sinh khi thi công như đầm, vận chuyển bê tông, người đi lại, dồn đống bê tông rồi mới san ra ,… cũng dồn xuống tạo ra lực nén mạnh xuống sàn tầng kế tiếp. Sàn này có thể chưa đủ tuổi 28 ngày và kể cả khi đủ tuổi thì vấn đề là nó cũng không được thiết kế để chịu các lực lớn như vậy nên có thể gây sập dây chuyền vài tầng bên dưới. Rất nhiều đội thợ hay chủ quan nội dung này và đã phải trả giá.
Để an toàn kết cấu, tránh đổ sập hoặc nứt kết cấu dầm sàn bên dưới, quy chuẩn XD quy định về việc tháo ván khuôn cột chống khi đổ bê tông các tầng trên là phải duy trì 250% cột chống các sàn dưới khi đổ bê tông sàn trên. Đây là lối nói nôm cho dễ hiểu, nhưng xin mời xem hình ảnh bên trên cho thấy rõ ràng hơn. Xin lưu ý rằng khi đổ bê tông thì ngoài sức nặng bê tông còn có các lực đi lại, bê tông rơi từ dụng cụ vận chuyển hoặc vòi máy phun, từ đầm rung, bê tông dồn đống chờ san phẳng,… là các lực cục bộ rất lớn nên quy định như trên là cần thiết. Trong một số tình huống cụ thể, người kỹ sư thiết kế, giám sát có thể tính toán cho phép giảm bớt ván khuôn, cây chống không cần duy trì 250% như trên (để giảm lượng cây chống, ván khuôn cần dùng, cũng là giảm chi phí) nhưng cũng không nên giảm nhiều quá sơ với quy định.
24. Đổ bê tông lại chống cột lên nền nhà có thể lún.
Một nguyên nhân gây sập bê tông (thường là đổ bê tông sàn đầu tiên) là hệ cột chống truyền lực xuống sàn cát chưa lún hết, sau khi đổ bê tông, sức nặng dồn xuống sẽ gây lún, hoặc có trận mưa làm nước vào nền cát sẽ làm cát lún thêm. Một trường hợp nữa là làm chân đế cột quá nhỏ, lực dồn vào một tiết diện nhỏ gây lún cục bộ tại khu vực đó. Nên khi thi công thì phải lót nền sàn rộng để lực từ trên xuống dàn đều ra diện tích lớn hơn sẽ hạn chế lún.